Chứng khoán giằng co: Khối ngoại bán ròng quyết liệt, dòng tiền lớn bao giờ hết lưỡng lự?

Image Description
Fstock
02 Tháng 6, 2024

Chuyên gia cho rằng thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn thấp khi dòng tiền lớn chưa nhập cuộc, trong khi việc bán ròng khối ngoại chủ yếu từ các quỹ chủ động, điều này rất đáng lo ngại.

 

Thị trường chứng khoán vẫn trong trạng thái lưỡng lự, giằng co - Ảnh: QUANG ĐỊNH

VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch giằng co với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, chỉ số gần đi ngang khi dừng ở mốc 1.261,7 điểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết -  cho rằng thị trường vẫn đang chờ dòng tiền lớn trong nước để vượt qua các mốc quan trọng.

Khối ngoại quyết liệt bán ròng, nhiều mã vốn hóa lớn là tâm điểm

- Nhóm vốn hóa trung bình, nhỏ có sự cải thiện tốt hơn, trong khi nhóm bluechip lại yếu đi. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh với giá trị đột biến tuần này, tập trung vào một số mã lớn.

Trong khi, điểm số muốn vượt qua ngưỡng quan trọng cần sự hỗ trợ lớn từ nhóm bluechip, vốn hóa lớn.

Việc dòng tiền tìm sang nhóm cổ phiếu nhỏ với tính chất đầu cơ cao, có gây rủi ro lo ngại gì, thưa ông?

- Nhiều người vẫn quan điểm khi cổ phiếu nhỏ tăng “nóng” là cuối sóng. Nhưng thị trường luôn diễn biến linh hoạt. Xu hướng này có thể đúng ở một số thời điểm, nhưng không có nghĩa luôn đúng.

Nếu tuần này, khối ngoại giảm xả ròng, cầu nội tăng hấp thụ nhóm bluechip ở vùng giá thấp, kỳ vọng điểm số tăng tốt trở lại.

Tuy nhiên thống kê, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh với giá trị khá đột biến trong tuần này, tập trung ở cả những mã hiếm khi trống “room” ngoại. Xu hướng bán ròng khối ngoại ngày càng rất quyết liệt và chưa có dấu hiệu ngừng lại, có lý do nào khác ngoài tỉ giá, thưa ông?

- Ở từng trường hợp cụ thể sẽ có các câu chuyện khác nhau. Nhưng tôi cho rằng điểm dễ thấy nhất vẫn là chênh lệch lãi suất đồng USD và đồng Việt Nam, áp lực tỉ giá. Nhiều tổ chức vẫn dự báo khả năng tiền đồng còn mất giá nữa, trong bối cảnh Fed sẽ chưa hạ lãi suất trong quý 2 này.

Việc bán ròng theo thống kê, chủ yếu từ các quỹ chủ động, điều này đáng lo ngại. Thông thường, quỹ chủ động có chiến lược đầu tư dài hạn, không như các ETF biến động liên tục.

Sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam vừa qua có nhưng còn chậm, trong khi số liệu công bố cho thấy kinh tế Mỹ phục hồi rõ nét, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng cao và hút lượng lớn USD về nước.

Dòng đầu tư luôn tìm tới những thị trường có tỉ suất lợi nhuận vượt trội hơn. Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm, lượng bán ròng vượt 1 tỉ USD, bằng cả năm ngoái thì là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Thị trường chứng khoán chờ dòng tiền lớn

 Thị trường vẫn đang rất quan tâm đến khả năng nâng lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước. Với áp lực tỉ giá, lạm phát và các chỉ số vĩ mô khác, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Có áp lực lạm phát, nhưng không phải quá lớn, bởi cầu trong nước còn yếu, sản xuất trong nước phục hồi tương đối chậm. Cơ quan điều hành vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho việc sắp nâng lãi suất điều hành.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu tác động qua lãi suất liên ngân hàng, có thời điểm tất cả các kỳ hạn đều trên 5%. Tuy nhiên, khi Fed duy trì kéo dài lãi suất cao, tỉ giá gây áp lực thì nhà điều hành cũng cần cân nhắc.

Cần thấy dù lãi suất duy trì thấp, nhưng cầu tín dụng ì ạch. Dường như duy trì lãi suất thấp không đem lại quá nhiều lợi ích nền kinh tế, trong khi lại ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài, rõ nhất là động thái bán ròng khối ngoại…

Vậy theo ông, những yếu tố quan trọng nào hội tụ để kéo thị trường bật lên tốt hơn?

- Dòng tiền nội rất quan trọng. Nhưng vừa qua, cầu nội ảnh hưởng do nhiều yếu tố về kinh tế lẫn chính trị, tạo nên sự lưỡng lự nhất định. Khi dòng tiền lớn quay lại, thị trường sẽ cân bằng, cân đối được lượng xả ra từ khối ngoại.

Lực cầu bắt đáy vừa qua vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân và thanh khoản chỉ tốt hơn trong các phiên giảm điểm. Còn các phiên tăng điểm dòng tiền yếu hơn nhiều.

Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài quan sát

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam:

- Thanh khoản tuy được cải thiện hơn so với giai đoạn trước và sau kỳ nghỉ lễ 30-4, song vẫn đang ở mức thấp nếu so với giai đoạn tháng 3-4 vừa qua.

Một phần dòng tiền vẫn đứng ngoài để quan sát. Tuy nhiên, với sự phục hồi hiện tại, dòng tiền lớn chắc chắn sẽ quay lại khi thị trường tiếp tục bứt phá qua một số ngưỡng quan trọng trong thời gian tới.

Với sự phục hồi ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư có thể tập trung vào việc nắm giữ cổ phiếu cho những vị thế trung và dài hạn. Một số nhóm cổ phiếu nên được chú ý ở giai đoạn này gồm hàng không với câu chuyện liên quan đến phục hồi du lịch sau dịch COVID-19, Trung Quốc bỏ các quy định liên quan đến đi lại giữa các nước, giá vé máy bay đang cao. Hay vật liệu xây dựng với câu chuyện liên quan đến đầu tư công và sự ấm lên của thị trường bất động sản...

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC:

- Yếu tố chính được thị trường quan tâm trong thời gian tới là sự phục hồi của nền kinh tế trong nước. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác, nhưng nhìn chung sự phục hồi lợi nhuận của các nhóm ngành, cổ phiếu sẽ dẫn dắt thị trường.

Thực tế cho thấy các cổ phiếu "khỏe" nhất ở thời điểm hiện tại là các cổ phiếu được đặt cược cho sự khởi sắc khi nền kinh tế ấm dần trở lại.

Tựu trung lại, một số nhóm cổ phiếu có khả năng tích cực như bán lẻ với sự phục hồi của sức mua; du lịch, giải trí, hàng không, dệt may, thủy sản, thép, vật liệu, bất động sản...

Link bài : click vào đây

Bình Khánh