Với những triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán trong năm 2025, thời điểm cuối tháng 12/2024 có thể là giai đoạn phù hợp cho các nhà đầu tư trung và dài hạn giải ngân với mức định giá thấp.
VN-Index mở cửa phiên 17/12 trong sắc xanh với sự dẫn dắt của các mã vốn hóa lớn. Dù lực mua chiếm ưu thế song không đủ mạnh để giúp chỉ số chính duy trì đà tăng, VN-Index nhanh chóng giảm điểm. Sang đến phiên giao dịch chiều, VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co với biên độ thấp. Gần cuối phiên, chỉ số hồi phục nhẹ song không thể trở lại mốc tham chiếu do áp lực từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Chốt phiên 17/12, VN-Index đạt 1.261,72 điểm, giảm nhẹ 0,16%. Thanh khoản tiếp tục duy trì mức thấp với hơn 502,5 triệu đơn vị giao dịch, tương đương tổng giá trị giao dịch 12.086 tỷ đồng. Thị trường được nâng đỡ chủ yếu từ các mã như VHM, VTP, KDH, EIB. Chiều ngược lại, FPT là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index.
Dù chỉ số giảm điểm song nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại giao dịch khá sôi động. VNSmallcap (chỉ số đại diện cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng 0,17%, ngược chiều với VN30 và VNMidcap (chỉ số đại diện cổ phiếu vốn hóa trung bình) lần lượt giảm 0,31% và 0,08%.
Nhiều mã “penny” giữ vững giá trần như GSP, ABS, PAC, HVH, YEG, PJT, FIR tổng khối lượng giao dịch của các cổ phiếu đạt từ 1,1 triệu đến 2,6 triệu đơn vị và riêng FIR chỉ đạt 317.700 cổ phiếu giao dịch.
Sự phân hóa này thể hiện rõ ràng hơn ở các nhóm ngành lớn. Với nhóm chứng khoán, các cổ phiếu vốn hóa lớn như SSI, VCI, VND, HCM, MBS… đều giảm điểm, trong khi CSI, WSS, VIG, APS tăng tốt.
Tương tự ở ngân hàng, nhóm vốn hóa lớn chỉ có ACB, HDB, MBB duy trì sắc xanh. Các mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng điểm tốt có SGB, BAB, EIB, LPB. Trong đó, EIB nằm trong top 4 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại bán ròng 669,34 tỷ đồng trong phiên 17/12, đánh dấu 7 phiên bán ròng. Lực bán ròng tập chủ yếu ở FPT (311,4 tỷ đồng), MWG (80,2 tỷ đồng), NKG (-62,6 tỷ đồng), HPG (56,5 tỷ đồng)…
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận diễn biến VN-Index giằng co với thanh khoản thấp trong các phiên trở lại đây là do yếu tố chu kỳ. "Nhiều quỹ đầu tư, tự doanh CTCK, ngân hàng và các doanh nghiệp đầu tư… có nhu cầu thanh khoản tiền mặt cao để chốt sách làm báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm khiến áp lực cung gia tăng trong khi sức cầu khá hạn chế trong tháng cuối năm. Kết hợp dòng vốn ngoại liên tục bán ròng đã gây áp lực lên nhóm cổ phiếu bluechip, khiến VN-Index rơi vào tình trạng giằng co, giảm điểm trong biên độ hẹp và thanh khoản chung thì theo chiều hướng suy giảm”, ông Ngọc phân tích.
Trong bối cảnh cổ phiếu bluechips suy yếu, dòng tiền hạn chế thì chỉ có các cổ phiếu thuộc nhóm midcap và penny với câu chuyện riêng và không cần thanh khoản cao để tăng giá đã thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân. Tuy vậy, ông Ngọc lưu ý sự sôi động của nhóm penny cũng chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp và không kéo dài, không tạo ra xu hướng trên thị trường vì nhóm này thanh khoản thấp ít tác động tới chỉ số chung.
Đánh giá về triển vọng của thị trường chứng khoán, ông Ngọc cho rằng VN-Index có nhiều động lực tăng trưởng trong năm 2025. Xu hướng trong năm sau là các ngân hàng trung ương sẽ 'nới lỏng' lãi suất - yếu tố hỗ trợ định giá cho các thị trường chứng khoán chứng khoán. Bên cạnh đó, với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước, triển vọng chứng khoán Việt Nam được nâng hạng (theo tiêu chuẩn của FTSE trong năm 2025 và của MSCI trong năm 2026) và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, triển vọng của thị trường sẽ sáng hơn trong năm 2025. Do đó, thời điểm cuối tháng 12 có thể là giai đoạn phù hợp cho các nhà đầu tư trung và dài hạn giải ngân với mức định giá thấp”.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng diễn biến hiện tại của thị trường để tái cơ cấu danh mục, chuẩn bị cho năm 2025.
Link bài viết: Click vào đây
HỮU BẬT
(Nhà Đầu Tư)